Nhảy đến nội dung
Hệ thống tưới tự động

Ngày 02/12/2020, tại Sở Khoa học và Công nghệ, Hội đồng khoa học và công nghệ tỉnh Vĩnh Long (Hội đồng) họp đánh giá nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Xây dựng hệ thống tưới tự động trong sản xuất nông nghiệp sử dụng Internet of Things giám sát hệ thống tại Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ” do Trung tâm Thông tin và Thống kê khoa học và công nghệ chủ trì, ThS. Lý Minh Phương làm chủ nhiệm; ThS. Nguyễn Văn Tùng – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ làm Chủ tịch Hội đồng.
Mục tiêu đề tài: Xây dựng hệ thống tưới tự động dựa trên dữ liệu đo đạc về độ ẩm trong đất của cây dưa lưới trong nhà màng có diện tích 500m2 và ứng dụng công nghệ Internet of Things (IoT) giám sát và điều khiển hệ thống tưới tại nhà màng trồng dưa lưới của Trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ Vĩnh Long.
Nội dung chính trong xây dựng hệ thống tưới tự động cho cây trồng trong nhà màng sử dụng IoT giám sát hệ thống gồm 2 phần: (1) Thiết kế bộ thiết bị trung tâm điều khiển hệ thống tưới đặt tại khu vực nhà màng của Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ Vĩnh Long kết nối đến các thiết bị cần điều khiển như máy bơm tưới nhỏ giọt, máy bơm tưới phun sương, quạt thông gió,…; (2) Xây dựng phần mềm ứng dụng IoT nông nghiệp cho phép giám sát và điều khiển tưới từ xa trên điện thoại thông minh.
Kết quả đề tài, đã xây dựng hệ thống triển khai ứng dụng giám sát và điều khiển tưới tự động trong vụ trồng dưa lưới tại nhà màng thông qua ứng dụng điều khiển từ xa trên điện thoại hoặc trên máy tính. Hệ thống đưa vào ứng dụng giúp việc quản lý cây trồng được thực hiện từ xa không cần có mặt trực tiếp tại nhà màng: giảm sức lao động trong các khâu chăm sóc có thể tưới từ xa trên ứng dụng màn hình điện thoại, dựa vào giá trị đo được độ ẩm trong đất để tưới chính xác với lượng nước vừa đủ tránh lãng phí nguồn nước từ đó tiết kiệm được chi phí điện năng tiêu thụ.
Bên cạnh đó, hệ thống gồm có các chức năng khác như: đo và thu thập dữ liệu về cây trồng tại nhà màng qua các bộ cảm biến: cảm biến độ ẩm trong đất, cảm biến đo nhiệt độ và ẩm độ không khí, cảm biến đo nồng độ dinh dưỡng trong nước tưới TDS/EC. Hệ thống đã thu thập dữ liệu hàng ngày, hàng giờ từ lúc cây mới gieo trồng đến khi thu hoạch; theo dõi trạng thái tắt/mở các thiết bị trong nhà màng: thời điểm tắt/mở, số phút mở thiết bị, số lần tắt/mở thiết bị trong từng vụ sản xuất; lưu trữ cơ sở dữ liệu về nhật ký chăm sóc cây trồng trong hệ thống từ đó có thể làm tiền đề cho việc xây dựng phần mềm truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.
Khả năng ứng dụng của đề tài: Sản phẩm đề tài được ứng dụng thực tế tại các mô hình sản xuất nông nghiệp như: mô hình tưới tự động sản xuất dưa lưới trong nhà màng, trồng rau thủy canh nhà kính điều chỉnh ánh sáng đơn sắc và đo dinh dưỡng trong nước tự động, điều chỉnh nhiệt độ môi trường tự động nhà trồng nấm công nghệ cao, đo thông số môi trường như: pH, độ mặn, oxy hòa tan trong mô hình nuôi trồng thủy sản, …
Theo đánh giá của Hội đồng, đề tài có tính ứng dụng và tính thực tiễn, đã thực hiện đầy đủ các nội dung trong đề cương đạt yêu cầu về chủng loại, số lượng, khối lượng và chất lượng sản phẩm; báo cáo trình bày rõ ràng, bố trí thí nghiệm thu thập phân tích dữ liệu chặt chẽ có cơ sở khoa học, đáng tin cậy. Tuy nhiên, Hội đồng cũng đã đóng góp một số ý kiến: cần bổ sung đặc điểm sinh trưởng và phát triển của cây dưa thực hiện thí nghiệm trong đề tài từ đó làm căn cứ cài đặt thông số kỹ thuật của các thiết bị điều khiển, đưa thông số cài đặt điều khiển tưới tự động cho dưa lưới ở từng giai đoạn phát triển; bổ sung dự toán giá thành của hệ thống (gồm các bộ cảm biến, hệ thống điều khiển,…) áp dụng cho đối tượng như trồng dưa lưới trong  nhà màng (diện tích nhà màng 500m2), nhà trồng nấm 100m2, … nhằm thương mại hóa sản phẩm,…
Kết quả, đề tài được Hội đồng nghiệm thu và đánh giá Đạt; Chủ nhiệm đề tài hoàn chỉnh báo cáo nộp về Sở Khoa học và Công nghệ trong 30 ngày và thực hiện đăng ký lưu giữ kết quả thực hiện đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN Vĩnh Long theo quy định.

Minh Phương

Lĩnh vực