Nhảy đến nội dung
ứng dụng KH&CN

Ứng dụng, chuyển giao công nghệ, khoa học - kỹ thuật tiến bộ là một trong những yếu tố quan trọng giúp người dân sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao. Xác định được vai trò đó, ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) tỉnh Vĩnh Long đã tập trung triển khai các đề tài, mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN luôn gắn kết với phục vụ sản xuất và đời sống, phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Trong thời gian qua, Trung tâm Ứng dụng KHCN tỉnh Vĩnh Long (Trung tâm) luôn chú trọng gắn kết,lồng ghép việc triển khai ứng dụng, chuyển giao KH&CN vào nhiệm vụ được giao. Tập trung nội dung giới thiệu, tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và xây dựng các mô hình ứng dụng kỹ thuật nông nghiệp. Trong đó, việc đẩy mạnh phát triển các mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN trong nông nghiệp được xem là nhiệm vụ chủ yếu để phục vụ sản xuất và đời sốngngười dân tại địa phương. 

Ứng dụng từ kết quả đề tài nghiên cứu khoa học về tuyển chọn, nhân giống nấm ăn, nấm dược liệu (Bào Ngư, Linh Chi, Mộc Nhĩ), Trung tâm đã tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các giống meo nấm, túi phôi cung cấp thường xuyên cho các hộ dân trong và ngoài tỉnh nuôi trồng với số lượng trung bình hàng năm khoảng 150 ngàn túi phôi nấm các loại. Đồng thời, phối kết hợp với các địa phương xây dựng nhiều mô hình nuôi trồng nấm Bào Ngư theo kế hoạch hàng năm (số lượng từ 8 - 10 mô hình, hỗ trợ từ 700 - 1.000 túi phôi nấm/mô hình); các hộ dân được tập huấn kỹ thuật, phương pháp xử lý cho ra nấm theo ý muốn. Đây được xem là giải pháp kỹ thuật mới giúp người dân chủ động sản xuất theo giá cả và nhu cầu thị trường, từ đó, có giá bán hợp lý đem lại năng suất và hiệu quả cao. Mô hình được sự hưởng ứng tích cực từ các hộ dân, giúp họ vừa tận dụng công lao động nông nhàn, vừa tăng thêm thu nhập đáng kể cho gia đình.

Để từng bước nâng cao chất lượng ứng dụng mô hình nuôi trồng nấm, Trung tâm đã đưa vào ứng dụng thành công mô hình trồng nấm Linh Chi, Bào Ngư trong nhà lưới kết hợp hệ thống phun sương tự động theo cảm biến nhiệt độ, độ ẩm đáp ứng nhu cầu sinh trưởng, phát triển của nấm. Kết quả cho thấy, năng suất và chất lượng nấm khá cao so với phương pháp trồng bình thường. Thời gian tới, dự kiến sẽ triển khai dự án ứng dụng nhằm tiếp tục nhân rộng mô hình, giúp người dân tiết kiệm công lao động, kiểm soát được nhiệt độ, độ ẩm phù hợp cho nấm sinh trưởng phát triển tốt và cho năng suất cao.

Song song với phát triển, nhân rộng mô hình nuôi trồng nấm, mô hình ứng dụng giá thể hữu cơ vi sinh (hay phân hữu cơ) cũng được xem là bước phát triển tốtcủa Trung tâm trong năm qua với số lượng sản phẩm giá thể hữu cơ vi sinh (HCVS) được đưa vào ứng dụng tăng gần gấp đôi so với năm trước, đạt hơn 35 tấn. Thành công của các mô hình ứng dụng giá thể HCVS chính là hiệu quả từ các mô hình được ứng dụng thực tế những năm trước và sự chỉ đạo gắn kết xây dựng mô hình từ Chương trình liên tịch giữa Sở KH&CN với các hội, đoàn thể. Ứng dụng giá thể HCVS trồng ớt sừng vàng châu Phi được xem là mô hình khá triển vọng và có khả năng phát triển mạnh hơn cho những năm tiếp theo. Kết quả thực tế theo dõi 05 mô hình trồng ớt sừng vàng châu Phi trên giá thể HCVS (số lượng 2.000 cây/1.000m2/mô hình) tại các hộ dân rất khả quan.Do cây ớt giống ban đầu được ươm trồng, kiểm soát tại nhà lưới khá khỏe mạnh, không sâu bệnh và được giao đến các mô hình trồng bên ngoài với sự tác động tích cực từ giá thể HCVS giúp đất tơi xốp, hạn chế mầm bệnh gây hại đã góp phần nâng cao khả năng sinh trưởng của cây nên cho năng suất khá cao (bình quân đạt từ 1,5 - 2kg/cây). Với giá bán hợp lý, trung bình từ 20.000 - 25.000 đồng/kg đem lại lợi nhuận phấn khởi cho người dân. Ngoài ra, thông qua Chương trình liên tịch giữa Sở KH&CN với Hội Nông dân tỉnh, đã triển khai nhiều mô hình trồng rau màu (rau ăn lá và ăn trái) trên giá thể HCVS tại xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình và xã Mỹ Thuận, huyện Bình Tân, với hơn 50 hộ dân tham gia, số lượng trên 30 tấn giá thể HCVS sử dụng cho diện tích hơn 06ha. Kết quả theo dõi từ nông dân và cán bộ kỹ thuật chuyên môn cho thấy, khả năng sinh trưởng các loại rau khá tốt so với điều kiện trồng truyền thống, cho năng suất cao và có hiệu quả cải tạo đất lâu dài tốt hơn. 

Hiệu quả từ các mô hình ứng dụng giá thể HCVS trồng rau màu, Trung tâm phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Mang Thít thực hiện dự án ứng dụng giá thể HCVS trồng củ cải trắng chuyên canh tại xã Mỹ An với 12 hộ dân tham gia trên diện tích hơn 03ha, sử dụng 17,5 tấn giá thể HCVS. Đây là vùng trồng cải củ chuyên canh lâu nay, mỗi năm trồng từ 5 - 7 vụ nhưng chủ yếu sử dụng tro trấu bón lót làm nền kết hợp bón phân hóa học bổ sung. Qua khảo sát thực tế cho thấy, thổ nhưỡng vùng có kết cấu đất, dinh dưỡng kém rất cần bổ sung phân hữu cơ để cải tạo lại. Sau thời gian sử dụng giá thể HCVS trồng cải củ trắng, nông dân rất phấn khởi và đánh giá cao sự khác biệt rõ so với phương pháp trồng trước đây, lá cải xanh tốt, củ to và cho năng suất cao hơn. Tại hội thảo các hộ dân tham gia mô hình và hộ xung quanh cho thấy, hiệu quả sử dụng giá thể HCVS vào trồng cải củ đã mở ra nhiều triển vọng cho nông dân, sẽ thay đổi dần cách trồng truyền thống sang sử dụng phân hữu cơ, giá thể HCVS giúp tăng năng suất, chất lượng cải củ, đặc biệt, giảm lượng phân bón hóa học.

Mô hình ứng dụng hệ thống tưới phun tiết kiệm nước trên cây trồng điều khiển qua điện thoại thông minh đã được cán bộ kỹ thuật Trung tâm triển khai lắp đặt theo kế hoạch phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Vũng Liêm. Kết quả, đã lắp đặt hoàn chỉnh một số mô hình trồng rau màu, cây ăn trái và hoa kiểng tại một số xã trong huyện. Mô hình đang mở ra hướng ứng dụng công nghệ tiên tiến trên rau màu trong sản xuất nông nghiệp. Hiện, Trung tâm đang phối hợp với Phòng Kinh tế TX Bình Minh mở rộng ứng dụng kỹ thuật tưới này cho vùng trồng rau màu chuyên canh trêncải xà lách xoong, rau diếp cá… giúp người dân giảm bớt chi phí, công lao động, nâng cao thu nhập và hiệu quả trong canh tác.         

Bên cạnh những kết quả đạt được từ các mô hình, công tác triển khai ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN cũng gặp một số khó khăn nhất định:

- Mô hình ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp chủ yếu mới tập trung vào ứng dụng kỹ thuật về giống nấm, cây ghép kháng bệnh, cây con từ nhà lưới, giá thể HCVS và chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến trong trồng trọt. Việc ứng dụng các công nghệ tự động hóa, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, cơ giới hóa, vật liệu mới, ứng dụng công nghệ cao… còn rất ít và hạn chế.

- Mô hình ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên và thời tiết, mang nhiều yếu tố rủi ro bất lợi; chi phí đầu tư cao dẫn đến giá thành sản phẩm cao nên khó cạnh tranh thị trường, vì vậy người dân chưa thật sự mạnh dạn đầu tư, còn mang tâm lý trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước cho nên một số mô hình ứng dụng có hiệu quả nhưng chưa được duy trì, nhân rộng. 

- Trình độ lao động, khả năng tiếp nhận ứng dụng của người dân còn hạn chế; liên kết thiếu chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp uy tín để tìm thị trường bao tiêu sản phẩm dẫn đến sản xuất mang tính nhỏ lẻ, không ổn định, bị động, điệp khúc “được mùa rớt giá” vẫn thường xảy ra.  

Từ những hạn chế trên, thiết nghĩ, cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo và tham mưu chỉ đạo của ngành chuyên môn trong vấn đề quan tâm nâng cao cơ sở vật chất, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, khuyến khích hỗ trợ ứng dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghệ chế biến bảo quản nông sản sau thu hoạch… vào phục vụ sản xuất nông nghiệp. Có cơ chế liên kết giữa nông dân với nhà khoa học và doanh nghiệp nhằm gắn chế biến với sản xuất tiêu thụ. Ứng dụng KHCN vào sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, tập trung. Lựa chọn các mô hình phù hợp để hỗ trợ ứng dụng, tạo nên chuỗi liên kết theo hướng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và nhân rộng mô hình điểm. Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn thường xuyên cho cán bộ nghiên cứu, nông dân nhằm trang bị, cập nhật những kiến thức mới chuyển giao ứng dụng vào phục vụ sản xuất và đời sống đạt hiệu quả cao./.

Hữu Dùng

Lĩnh vực