Vĩnh Long chuyển giao nhiều đề tài khoa học phục vụ nông nghiệp địa phương
Năm 2023 khép lại với nhiều kết quả đáng vui mừng cho kinh tế tỉnh Vĩnh Long cũng như cả nước. Đặc biệt là thành tựu về xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam sang nhiều thị trường lớn, khó tính. Trong đó, cần kể đến vai trò quan trọng của việc ứng dụng khoa học-công nghệ (KHCN) vào chuỗi sản xuất khi mà những yêu cầu về sản xuất “xanh” ngày càng được chú trọng. Tại các địa phương, những mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, tuần hoàn, phát triển xanh và bền vững được chính quyền, ngành chuyên môn và người dân quan tâm thực hiện. Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, thời gian qua, Trung tâm ứng dụng KHCN (đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở KH&CN) đã thực hiện được nhiều mô hình mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân.

Sở KH&CN phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức tổng kết
mô hình ứng dụng giá thể hữu cơ vi sinh trên rau xà lách xoong cho các bà con tại thị xã Bình Minh
Các đề tài nghiên cứu ứng dụng nổi bật
Công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao KHCN vào phục vụ sản xuất, đời sống cho người dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Trung tâm Ứng dụng KHCN (Trung tâm) nhằm giúp người dân đưa vào ứng dụng sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập. Xác định được nhiệm vụ đó, lãnh đạo ngành KH&CN đã tập trung chỉ đạo triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học, các mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN luôn gắn với phục vụ sản xuất và đời sống của người dân.
Trong năm qua, Trung tâm đã phối hợp với các hội, đoàn thể địa phương theo Chương trình liên tịch với Sở KH&CN tập trung triển khai ứng dụng từ kết quả các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học thông qua tập huấn, chuyển giao KH&CN và xây dựng các mô hình ứng dụng. Trong đó, nội dung tập huấn chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật như: kỹ thuật chăm sóc nuôi trồng và chủ động xử lý cho nấm theo ý muốn trên các loại nấm ăn và nấm dược liệu (Bào Ngư, Linh Chi); kỹ thuật thiết kế, lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm thông minh trên các loại cây trồng; kỹ thuật ứng dụng hiệu quả giá thể hữu cơ vi sinh (HCVS)( ) trên các loại rau màu, cây trồng khác… Đặc biệt, Trung tâm đã đẩy mạnh việc phối hợp triển khai thực hiện nhiều mô hình ứng dụng giá thể HCVS trên các loại cây trồng, vùng trồng rau màu chuyên canh như: cải xà lách xoong, rau diếp cá, hành lá...
Một số kết quả chuyển giao đạt được
Có thể nói, năm 2023, Trung tâm đã triển khai công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KHCN hiệu quả, với nhiều mô hình ứng dụng mang lại hiệu ứng rất tích cực từ người dân. Trong đó có kế hoạch phối hợp với Hội Nông dân tỉnh triển khai mô hình ứng dụng giá thể HCVS cho rau xà lách xoong tại vùng chuyên canh màu thuộc xã Thuận An, TX Bình Minh với diện tích hỗ trợ mô hình 7,75ha (diện tích trồng theo phương pháp truyền thống 4,25ha), có 27 hộ nông dân tham gia, ứng dụng 15,5 tấn giá thể HCVS. Kết quả, các mô hình đã mang lại hiệu quả cao, lợi nhuận hơn 17 triệu đồng/1.000m2. Ngoài ra, còn rút ngắn được thời gian thu hoạch rau từ 1,3-3,7 ngày; sử dụng giá thể HCVS đã giảm bớt lượng phân bón hóa học đã giảm thiểu đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường tại địa phương.
Phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh triển khai mô hình ứng dụng giá thể HCVS trên các loại rau màu cho đồng bào người dân tộc tại 02 xã Đông Bình và Đông Thành, TX Bình Minh với 26 hộ nông dân (người dân tộc Khmer) tham gia, diện tích trồng 3,68ha; sử dụng 14,72 tấn giá thể HCVS. Kết quả trên các mô hình trồng dưa leo, khổ qua, đậu đũa, ớt, rau muống... lợi nhuận bình quân tăng từ 2-3 triệu đồng/1.000m2, sản phẩm rau màu bảo quản được lâu hơn, ít bị hư hỏng; hộ dân rất phấn khởi muốn ứng dụng nhân rộng mô hình trong thời gian tới.
Phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Mang Thít, huyện Bình Tân ứng dụng giá thể HCVS trên hành lá, khổ qua và cây chanh với số lượng sử dụng hơn 25 tấn giá thể HCVS đã đem lại hiệu quả rất thiết thực cho bà con nông dân tham gia mô hình và đang tiếp tục theo dõi đánh giá hiệu quả lâu dài.
Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với Phòng Kinh tế TX Bình Minh xây dựng một số mô hình ứng dụng giá thể HCVS trên rau diếp cá và lắp đặt hệ thống tưới thông minh tiết kiệm nước trên cải xà lách xoong điều khiển qua điện thoại di động tại xã Thuận An; ứng dụng giá thể HCVS trên cây khổ qua, cây chanh tại huyện Bình Tân... giúp người dân nâng cao được năng suất cây trồng, hiện đại hóa trong khâu tưới tiêu, tiết kiệm thời gian và chi phí, tăng lợi nhuận trong sản xuất.
Hiệu quả mà các mô hình đã thực hiện, lý giải cơ chế khoa học
Kết quả triển khai thực hiện các mô hình ứng dụng đã mang lại lợi ích rất tích cực cho người dân, từ đó, mang tính lan tỏa tốt cho các hộ dân xung quanh. Đặc biệt, các mô hình ứng dụng giá thể HCVS, không những người dân tham gia ứng dụng trực tiếp tại các mô hình mà còn được hướng dẫn kỹ thuật ủ giá thể HCVS tại nhà giúp giảm chi phí sản xuất. Giá thể HCVS được sản xuất tận dụng từ nguồn phụ phẩm mùn dừa, phối trộn một số nguyên liệu khác, trong đó, vai trò của vi sinh vật có ích rất quan trọng, quyết định chất lượng sản phẩm giá thể HCVS vừa có tác dụng cung cấp một số chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng, nhưng lại vừa có tác dụng giúp cải tạo đất canh tác thông qua hoạt động của các chủng vi sinh vật có ích giúp phân giải các chất hữu cơ chưa phân hủy hoặc bán phân hủy trong đất thành hữu cơ mùn hóa cung cấp dinh dưỡng cho cây và tạo cho đất có khoảng không thoáng khí, giúp đất trở nên tơi xốp, giữ ẩm tốt hơn... Mặt khác, sự có mặt của các chủng vi sinh vật có ích cũng là nấm đối kháng giúp tiêu diệt hoặc hạn chế mầm bệnh trong đất gây hại cây trồng như bệnh chết cây con, bệnh thối rễ... Từ phân tích trên cho thấy, khi được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật và ứng dụng các mô hình giá thể HCVS trên cây trồng, người dân rất quan tâm tiếp nhận và chuyển đổi dần theo hướng rất tích cực và xác định không có cách nào khác mà phải sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ mới được ổn định, tồn tại bền vững và lâu dài.
Kế hoạch thực hiện công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các đề tài trên lĩnh vực nông nghiệp
Theo dự kiến năm 2024, Trung tâm xây dựng kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp; trong đó có sản phẩm giá thể HCVS theo hướng phát triển nâng cao chất lượng sản phẩm kết hợp ứng dụng kỹ thuật canh tác mới (phối hợp với chuyên gia) về kỹ thuật tăng khả năng đậu trái, hạn chế bệnh héo rũ vi khuẩn trên cây dưa leo, dưa lê tại một số địa phương trồng chuyên canh rau màu của tỉnh./.
Hữu Dùng
Trung tâm Ứng dụng KHCN Vĩnh Long