Nghiên cứu khoa học ở trường đại học thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0
Đó là chủ đề Hội thảo khoa học quốc gia được tổ chức ngày 22/12/2018 tại Trường Đại học Kiên Giang. GS, TS. Lê Quang Trí - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu ĐBSCL; GS, TS. Nguyễn Thị Lang - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Công nghệ cao ĐBSCL; PGS, TS. Thái Thành Lượm - Hiệu trưởng Trường Đại học Kiên Giang đồng chủ trì Hội thảo.
Cùng tham dự Hội thảo là đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo; Lãnh đạo Vụ Khoa học và Công nghệ; Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành và doanh nghiệp liên quan trong tỉnh Kiên Giang; đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh ĐBSCL. Đặc biệt, Hội thảo còn thu hút sự quan tâm tham dự và trình bày tham luận của các nhà khoa học đại diện các trường đại học uy tín trong nước; các giảng viên, viên chức, sinh viên Trường Đại học Kiên Giang.
Tại đây, đại biểu nghe tham luận: Cách mạng 4.0 - những tác động và yêu cầu về đổi mới nội dung chương trình đào tạo trong các trường đại học ở Việt Nam hiện nay; thực trạng ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp của tỉnh Kiên Giang và định hướng trong thời gian tới; chuyển dịch sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL - thành tựu và thách thức trước thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0. Ngoài ra, Hội thảo cũng tổ chức 03 tiểu ban với nhiều tham luận phân tích sâu vào các lĩnh vực: Khoa học cơ bản, công nghệ thông tin, chế biến; khoa học nông, lâm, thuỷ sản, môi trường; khoa học giáo dục, kinh tế, xã hội.
Theo đó, các tham luận đánh giá khá chi tiết và khách quan về thực trạng nghiên cứu khoa học ở các trường đại học, đồng thời chia sẻ những cơ hội, thách thức của Cách mạng công nghiệp 4.0 đối với: Nghiên cứu khoa học, phát triển nguồn nhân lực tại các trường đại học; sự hợp tác giữa trường đại học với doanh nghiệp trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; giải pháp đổi mới quản lý và giáo dục đại học; ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học trong phát triển kinh tế - xã hội…
Hội thảo đã khẳng định, Cách mạng công nghiệp 4.0 đã đặt ra cho các trường đại học nói riêng và các nhà khoa học nói chung nhiều vấn đề cần nghiên cứu: (1) Về kỹ thuật số: Trí tuệ nhân tạo AI - Artificial Intelligence, vạn vật kết nối IoT - Internet of Things, dữ liệu lớn Big Data; (2) Về công nghệ sinh học: Tạo ra các bước nhảy vọt trong nông nghiệp, y-dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hoá học và vật liệu; (3) Về vật lý: Robot thế hệ mới, các vật liệu mới và công nghệ nano.
Thanh Sang